sontu.com.vn – dientusontu.com – ledsontu.com

0903.918.223 - 0913.145.673

Thị trường hàng điện tử Việt Nam: Ngoại “lấn sân”nội


21/06/2016
Công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu tạo ra linh kiện chất lượng cao để đáp ứng những nhà sản xuất lớn như Sony, Samsung, Toshiba…

 Phát triển đa dạng

Ông Lê Ngọc Sơn – Chủ tịch Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam đánh giá, ngành điện tử Việt Nam là một trong những ngành đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều nhất và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực điện tử như dự án 1 tỷ USD xây dựng nhà máy đóng gói và đo kiểm mạch IC của Intel tại TP. Hồ Chí Minh, hãng Foxconn (Đài Loan) đầu tư 5 tỷ USD xây dựng tổ hợp sản xuất phụ tùng linh kiện điện tử tại Bắc Ninh, hãng Compal đầu tư 500 triệu USD xây nhà máy sản xuất máy tính tại Vĩnh Phúc, Samsung đầu tư 1 tỷ USD xây nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh, Nokia cũng đầu tư trên 250 triệu USD xây nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Giang…

Bước phát triển của ngành điện tử rất nhanh chóng trong vòng 10 năm nay, từ toàn ngành chỉ có vài chục DN đến nay cả nước đã có trên 500 DN (trong đó, 1/3 là DN có vốn đầu tư nước ngoài), sử dụng trên 250 nghìn lao động có tay  nghề. Hiện nay, ngành đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về các loại sản phẩm điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin – viễn thông thông dụng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành là 20% - 30%. Nếu trước đây các DN điện tử chỉ lắp ráp các sản phẩm tiêu thụ trong nước, thì đến nay sản phẩm điện tử Việt Nam đã xuất đi 50 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2011 kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử đạt trên 4 tỷ USD. riêng trong quý I/2012, kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt trên 3 tỷ USD, tăng 161,5% so với cùng kỳ năm 2011 (hàng xuất khẩu chủ yếu là điện thoại di động, linh kiện điện tử máy tính, máy in, chíp điện tử…). Riêng mặt hàng điện thoại di động hiện nay đã vượt qua dầu thô để xếp thứ hai trong danh sách 10 loại hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam (nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung Việt Nam xuất khẩu trung bình 1 tỷ USD/tháng).


Hàng điện tử gia dụng ngoại được người tiêu dùng Việt ưa chuộng

Danh nghiệp nội ít cơ hội

Ghi nhận thực tế từ thị trường Việt Nam thời gian qua cho thấy, mặt dù có tốc độ phát triển nhanh, nhưng ngành điện tử Việt Nam đang tồn tại sự mất cân đối giữa sản phẩm điện tử tiêu dùng và điện tử chuyên dụng 70%/30%. Trình độ công nghệ sản xuất thấp, việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới còn yếu. Hiện tại hoạt động chủ yếu là gia công, lắp ráp, nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp, khả năng cạnh tranh của DN không cao. Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng, linh kiện của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu tạo ra linh kiện chất lượng cao để đáp ứng những nhà sản xuất lớn như Sony, Samsung, Toshiba…

Hiện nay, phần lớn các DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ chốt trong ngành điện tử Việt Nam. Mặc dù chỉ bằng 1/2 số lượng các DN điện tử Việt Nam, nhưng DN nước ngoài chiếm đến 80% thị phần thị trường trong nước và 95% kim ngạch xuất khẩu.

Theo dự báo của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng Hoa Kỳ, thị trường điện tử tiêu dùng thế giới vẫn trên đà phát triển mạnh mẽ và duy trì mức độ tăng trưởng 10%/năm. Thời gian tới, các mặt hàng thiết bị kỹ thuật số, máy tính, thiết bị viễn thông, đặc biệt là điện thoại di động sẽ còn tăng trưởng mạnh. Dụng cụ và linh kiện bán dẫn cũng sẽ có mức tăng trưởng 6%/năm do nhu cầu trên thị trường thế giới còn rất lớn. Chính vì vậy, ngành điện tử thế giới, châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển

Theo đánh giá của hầu hết các hãng điện tử lớn có mặt tại Việt Nam như Sony, Samsung, Cannon… thì Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ hấp dẫn các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Về đầu tư, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện cho ngành điện tử, do tình hình chính trị ổn định, giá thuê đất, giá nhân công hợp lý và thấp hơn một số nước trong khu vực như Trung  Quốc, Thái Lan.

Về thị trường xuất khẩu, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành điện tử Việt Nam mở cửa hoàn toàn, thuế suất nhập khẩu nhiều mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử giảm xuống bằng 0%. Vì vậy các hãng điện tử lớn đã mạnh tay không chỉ đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử, kéo theo rất nhiều dự án vệ tinh sản xuất phụ tùng, thiết bị phụ trợ. Và sản phẩm của các hãng này đều được xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu chính là hiện nay của hàng điện tử Việt Nam là nền kinh tế châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan và các nước khối ASEAN.

Tuy nhiên so sánh lợi thế, thì DN điện tử trong nước hiện nay hoàn toàn chịu lép vế so với DN ngoại. Bởi DN Việt Nam chủ yếu là DNNVV, nguồn vốn ít và khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy mà Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam dự báo, trong 10 năm tới, ngành điện tử Việt Nam vẫn chịu sự thống trị của những thương hiệu điện tử hàng đầu thế giới.